CÔNG TY TNHH CHỈ MAY THƯỞNG DIỄM

Hình ảnh sub banner
Ngành dệt may quyết tâm trở lại “quỹ đạo” tăng trưởng trong năm 2024

26/01/24 thuongdiemthread

Vũ Khuê TỔNG QUAN NGÀNH MAY MẶC Kinh tế thế giới còn hết sức bất định, nên năm 2024 vẫn tiếp tục là năm thử thách với ngành dệt may Việt Nam, do đó doanh nghiệp dệt may không chủ quan trước những thuận lợi mới xuất hiện, không tự mãn nhưng cũng không buông xuôi trước khó khăn. Năm 2024 sẽ là năm quay trở lại của ngành dệt may Việt Nam.… Năm 2024, May 10 đặt mục tiêu doanh thu đạt 4.500 tỷ đồng vượt 6,6% so với năm 2023. Trên đây là nhận định của ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn dệt may Việt Nam (Vinatex) tại lễ ra quân sản xuất đầu năm 2024 của Tổng công ty May 10, ngày 2/1. MỘT NĂM VẤT VẢ NHƯNG HIỆU QUẢ THẤP Nhìn lại năm 2023, ông Trường cho rằng có thể nói là năm khó khăn nhất trong suốt hơn 30 năm xuất khẩu của ngành dệt may nếu không tính năm 2020 thế giới đóng cửa vì dịch bệnh. Kim ngạch giảm 10% toàn ngành, trong đó đơn giá sản xuất giảm 30%, thậm chí có mã hàng tới 50%, điều này cũng đã phần nào nói lên những khó khăn của người điều hành, người lao động để có thể duy trì được hiệu quả trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Năm 2023 ngành dệt may đã có một năm lao động vất vả hơn, làm nhiều hơn nhưng hiệu quả thấp hơn. Ông Trường tổng kết lại bức tranh ngành dệt may năm qua bằng 8 từ khoá “kiên cường- dũng cảm- sáng tạo- đoàn kết”. Phân tích rõ hơn, ông Trường cho biết sự kiên cường thể hiện ở việc từ lãnh đạo các doanh nghiệp đến người lao động đều không buông xuôi, nản chí dù trong điều kiện hết quý này sang quý khác đều liên tục khó khăn. Sự dũng cảm được ông Trường lý giải, chưa bao giờ thấy lãnh đạo quản lý các doanh nghiệp dũng cảm như năm 2023. Bởi người đứng đầu doanh nghiệp phải ra những quyết định làm các đơn hàng không có hiệu quả, nhưng để đảm bảo việc làm cũng như thu nhập cho người lao động, sự hoạt động ổn định của toàn hệ thống, đặc biệt với các doanh nghiệp có số lượng lao động lớn dù có những rủi ro phải cân nhắc. Sáng tạo thể hiện trong xử lý những yêu cầu hết sức đặc biệt, nhiều khi khá vô lý của khách hàng, nhưng các doanh nghiệp chúng ta đã vượt qua được bằng sự sáng tạo và năng lực cạnh tranh thực sự… Chính những yếu tố này đã tạo nên thành công của doanh nghiệp trong bối cảnh hết sức khó khăn, suy giảm so với năm 2022 nhưng suy giảm ít. Ông Thân Đức Việt, Tổng Giám đốc Tổng công ty May 10 cũng chia sẻ, năm 2023 với bối cảnh khó khăn chưa từng có tiền lệ, nhưng với sự chỉ đạo sáng suốt, sự điều hành linh hoạt của cơ quan điều hành, cùng với đó là sự đoàn kết, phát huy trí tuệ của tập thể cán bộ công nhân viên, Tổng Công ty đã từng bước tháo gỡ khó khăn, tìm các giải pháp thúc đẩy sản xuất kinh doanh, đảm bảo việc làm và ổn định thu nhập cho người lao động. Theo đó, tổng doanh thu May 10 đạt 4.248 tỷ đồng, tăng 1,15% so với kế hoạch. Lợi nhuận trước thuế đạt 123 tỷ đồng, tăng 11,8% so với kế hoạch. Thu nhập bình quân đạt 9,25 triệu đồng/người/tháng, bằng cùng kỳ năm 2022. Cũng trong năm 2023, May 10 đã đạt nhiều giải thưởng cao quý như: Top 100 doanh nghiệp bền vững; Thương hiệu mạnh tăng trưởng xanh… Đặc biệt đây cũng là lần thứ 9, May 10 liên tiếp được vinh danh “Doanh nghiệp vì người lao động” cấp quốc gia. TRÁNH "GÁO NƯỚC LẠNH" NHƯ NĂM 2023 Năm 2024 tình hình kinh tế thế giới còn hết sức bất định, tuy nhiên quý 1/2024 đã có tín hiệu tốt hơn năm trước, sự phục hồi nhất định của kinh tế thế giới, nhất là sự hạ cánh mềm của kinh tế Mỹ và sự phục hồi của kinh tế châu Âu, sự giảm nhanh của lạm phát. Song ông Trường cũng nhắc lại, năm 2021, 2022 khi chúng ta đang trong không khí hết sức thuận lợi, hết sức hưng phấn, có phần hơi lạc quan thì “gáo nước lạnh” của 2023 đã dạy cho chúng ta bài học. Đó là thị trường mới thay đổi liên tục, kinh tế thế giới dù là kinh tế vĩ mô của các nền kinh tế lớn cũng thay đổi nhanh chóng. "Năm 2024 vẫn tiếp tục là năm thử thách với ngành dệt may Việt Nam. Vì vậy, không chủ quan trước những thuận lợi mới xuất hiện, không tự mãn nhưng cũng không buông xuôi trước khó khăn", ông Trường nhấn mạnh, đồng thời kỳ vọng năm 2024 sẽ là năm quay trở lại của ngành dệt may Việt Nam. Theo ông Việt, năm 2024, bên cạnh dự báo nền kinh tế thế giới và Việt Nam vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, ngành dệt may còn phải đối diện với hàng loạt khó khăn từviệc áp dụng cơ chế EPR (trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất) và CBAM (cơ chế điều chỉnh biên giới carbon) cũng như Chiến lược “thời trang bền vững” thay cho “thời trang nhanh”, Chỉ thị tra soát chuỗi cung ứng của OECD của EU; Luật thẩm định chuỗi cung ứng của Đức... Hơn nữa, đơn hàng xuất khẩu dự kiến tiếp tục giảm, xu thế số lượng nhỏ, thời gian giao hàng nhanh, chuỗi cung ứng còn rủi ro, chi phí đầu vào cao. Cùng với đó là rủi ro nghĩa vụ trả nợ, rủi ro lãi suất, tỷ giá giảm. Xu hướng chuyển đổi số, kinh doanh tuần hoàn diễn ra nhanh… là những vấn đề đặt ra với dệt may thời gian tới. Tuy nhiên với tinh thần vượt khó, May 10 vẫn quyết tâm đạt thành tích cao trong năm 2024 với mục tiêu doanh thu đạt 4.500 tỷ đồng vượt 6,6% so với năm 2023; lợi nhuận 130 tỷ đồng vượt  5,7 % so với năm 2023; thu nhập bình quân 9.500.000 đồng/người/tháng tăng 2,7% so với năm 2023.  Để đạt được kết quả này, May 10 sẽ tập trung và chủ động tìm kiếm, khai thác thị trường trong nước và quốc tế, lo đủ việc làm cho người lao động trong chiến lược đa dạng hóa thị trường, mặt hàng, khách hàng. Tập trung nghiên cứu và chuyển đổi sản phẩm, nghiên cứu sản phẩm mới, chất liệu mới, đẩy nhanh tốc độ may mẫu, dập mẫu, chất lượng mẫu... để làm các đơn hàng khó, kết cấu sản phẩm phức tạp,  thời gian giao hàng nhanh. Đồng thời, nâng cao năng lực quản trị, áp dụng chuyển đổi số trong công tác quản trị sản xuất, kinh doanh, dịch vụ. Chú trọng đầu tư thiết bị hiện đại, tự động hóa cao, sản xuất xanh, sạch, thân thiện môi trường, có trách nhiệm xã hội, tăng năng lực tham gia vào các công đoạn mang lại giá trị gia tăng cao như: thiết kế, sản xuất nguyên phụ liệu đầu vào, từng bước chuyển mình lên vị trí cao hơn trong chuỗi sản xuất. Quyết liệt rà soát, kiểm soát chặt các chi phí, cắt giảm chi phí không cần thiết. Tăng cường công tác quản lý chất lượng, coi chất lượng sản phẩm, dịch vụ là yếu tố sống còn của doanh nghiệp. Tiếp tục duy trì khẩu hiệu hành động “chọn việc khó” với phương châm “bảo toàn khách hàng, đơn hàng, thị trường, lao động và kiểm soát chặt các chi phí”. Theo vneconomy.vn https://vneconomy.vn/nganh-det-may-quyet-tam-tro-lai-quy-dao-tang-truong-trong-nam-2024.htm

Kinh tế chuyển dịch tích cực

26/01/24 thuongdiemthread

Năm 2016, tăng trưởng GDP và tăng trưởng xuất khẩu đều không đạt kế hoạch đề ra. Cụ thể, GDP chỉ tăng 6,21% so với mục tiêu là 6,7%, tăng trưởng xuất khẩu chỉ đạt 8,6% so với năm 2015, trong khi kế hoạch là 10%. Tuy nhiên, năm qua lại đánh dấu một xu hướng tích cực thể hiện qua sự dịch chuyển cả về cơ cấu ngành nghề kinh tế và xuất khẩu. Giảm phụ thuộc vào dầu thô và than Số liệu của Tổng cục Thống kê (TCTK) cho thấy trong mức tăng 6,21% của toàn nền kinh tế, khu vực công nghiệp và xây dựng đóng góp 2,59 điểm phần trăm. Trong đó, công nghiệp tăng 7,06% và riêng chế biến, chế tạo đạt mức tăng cao với 11,9%, đóng góp đáng kể vào mức tăng trưởng chung với 1,83 điểm phần trăm. Đáng lưu ý là năm 2016, ngành khai khoáng giảm tới 4%, làm giảm 0,33 điểm phần trăm mức tăng trưởng chung. Đây là mức giảm sâu nhất từ năm 2011 đến nay. Nguyên nhân chủ yếu do giá dầu thế giới giảm khiến sản lượng dầu thô khai thác giảm hơn 1,67 triệu tấn so với năm 2015. Sản lượng khai thác than cũng chỉ đạt hơn 39,6 triệu tấn, giảm 1,26 triệu tấn. Năm qua, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 7,5% so với năm trước. Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 11,2%, đóng góp 7,9 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung. Riêng ngành khai khoáng giảm sâu ở mức 5,9%, làm giảm 1,3 điểm phần trăm mức tăng chung.

Năm 2024, ngành dệt may đặt mục tiêu xuất khẩu 44 tỷ USD

26/01/24 thuongdiemthread

Vũ Khuê Bước sang năm 2024, dự báo nền kinh tế thế giới còn nhiều khó khăn, thách thức, song ngành dệt may Việt Nam vẫn quyết tâm đạt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu 44 tỷ USD, tăng 9,2% so với 2023… Dệt may đặt mục tiêu xuất khẩu 44 tỷ USD năm 2024. Tại hội nghị “Tổng kết Hiệp hội Dệt may Việt Nam 2023”, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), cho rằng đến thời điểm này, ngành dệt may cơ bản có sự thành công nhất định, với kim ngạch xuất khẩu đạt 40,3 tỷ USD. Với bài học kinh nghiệm thu hái được trong năm 2023, năm 2024 ngành dệt may Việt Nam phấn đấu đạt kim ngạch xuất khẩu 44 tỷ USD. THÁCH THỨC CÒN RẤT LỚN Năm 2023, doanh nghiệp đã phải bươn trải với áp lực về giá, chi phí, thời gian giao hàng ngắn và đảm bảo việc làm cho người lao động. Đồng thời, chịu tác động từ cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước, trong khi đó, cơ chế chính sách không theo kịp xu thế... Trong bối cảnh khó khăn này, ngành đã thực hiện 3 giải pháp căn cơ. Đó là, liên kết chuỗi; đa dạng hoá thị trường, khách hàng, mặt hàng; thực hiện phát triển bền vững, xanh hoá, chuyển đổi số, quản trị số. Vì thế, đến giờ này ngành dệt may cơ bản có sự thành công nhất định, đạt kim ngạch xuất khẩu 40,3 tỷ USD năm 2023. Năm 2024 ngành dệt may Việt Nam phấn đấu đạt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu 44 tỷ USD, tăng 9,2% so với 2023. Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Vitas chia sẻ Theo ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, trong thời gian tới ngành dệt may có nhiều cơ hội nhưng cũng nhiều thách thức buộc phải vượt qua. Cơ hội hiện nay đó là nhu cầu thị trường với sản phẩm dệt may dự kiến sẽ cải thiện hơn năm 2023, do tình hình kinh tế tại các thị trường nhập khẩu dệt may lớn của Việt Nam đang có dấu hiệu phục hồi. Cùng với đó, mặt bằng lãi suất cho vay tại Việt Nam hiện đã giảm đáng kể, giúp giảm sức ép chi phí lãi vay lên các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, các chính sách hỗ trợ của Chính phủ hiện nay có thể được kéo dài trong năm 2024. Đặc biệt, Chiến lược phát triển ngành dệt may, da giày Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến 2035 đã được phê duyệt. Nhưng thách thức với dệt may trong năm 2024 vẫn còn rất lớn. Ông Cẩm cho rằng ngành dệt may sẽ đối diện với hàng loạt những khó khăn từ áp dụng cơ chế EPR (trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất) và CBAM (cơ chế điều chỉnh biên giới carbon) cũng như Chiến lược “thời trang bền vững” thay cho “thời trang nhanh”, Chỉ thị tra soát chuỗi cung ứng của OECD của EU; Luật thẩm định chuỗi cung ứng của Đức...... Đạo luật chống lao động cưỡng bức của Mỹ (UFLPA) cho ngành sợi. Mặt khác, tăng trưởng kinh tế thế giới trong 2 năm tới còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó tâm điểm là xung đột ở khu vực Trung Đông cùng những chính sách kiềm chế lạm phát của một số nước. Theo TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV & Thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách Tài chính - Tiền tệ Quốc gia, đơn hàng xuất khẩu còn giảm, dù đang bớt đi; chuỗi cung ứng còn rủi ro, chi phí đầu vào còn cao. Bên cạnh đó rủi ro nghĩa vụ trả nợ còn cao, rủi ro lãi suất, tỷ giá giảm. Xu hướng chuyển đổi số, kinh doanh tuần hoàn diễn ra nhanh… là những vấn đề đặt ra với dệt may thời gian tới. Do đó, để đáp ứng các yêu cầu này, ông Trương Văn Cẩm nêu định hướng, từ nay đến 2030, ngành dệt may chuyển dần từ trọng tâm phát triển nhanh sang trọng tâm phát triển bền vững, kinh doanh tuần hoàn. Trong đó, đẩy mạnh mô hình phát triển bền vững (PPP- People, Profit, Planet). Cụ thể, đáp ứng nhu cầu lao động, cải thiện điều kiện làm việc, thu nhập, quan hệ lao động hài hoà; quản trị rủi ro, đa dạng nguồn nguyên phụ liệu và thị trường xuất khẩu, cắt giảm chi phí, tăng trưởng và có lãi; giảm rác thải, xử lý và tái sử dụng nước, năng lượng tái tạo, tái chế, tái sử dụng. Từ 2031 – 2035, phát triển hiệu quả, bền vững theo mô hình kinh tế tuần hoàn. Hoàn thiện chuỗi giá trị trong nước và tham gia ở vị trí có giá trị cao trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Xuất khẩu và tiêu thụ trong nước bằng các thương hiệu riêng mang tầm khu vực và thế giới. ĐỀ XUẤT TIẾP TỤC CÁC CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ Bên cạnh sự nỗ lực của Chính phủ, ông Cẩm đề xuất, Nhà nước sớm triển khai gói 120.000 tỷ đồng lãi suất ưu đãi cho xây nhà ở xã hội, nhà ở công nhân. Ban hành các tiêu chí phù hợp để người có thu nhập thấp được thụ hưởng chính sách. Tiếp tục hỗ trợ kinh phí cho doanh nghiệp để đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho người lao động, nhất là cho các ngành nghề khó đào tạo như kỹ sư dệt, nhuộm, thiết kế, cho đổi mới công nghệ, kỹ năng xanh, kỹ năng chuyển đổi số. Đại diện Vitas đề nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương sớm vào cuộc triển khai Quyết định 1643/QĐ-TTg về “Chiến lược phát triển ngành Dệt May và Da Giày đến 2030, tầm nhìn 2035”, nhất là Chương trình phát triển bền vững để đáp ứng yêu cầu thị trường thu hút khách hàng. Nhà nước tiếp tục gia hạn các gói hỗ trợ doanh nghiệp chưa sử dụng hết theo Nghị quyết 43/2022/NQ-QH15 của Quốc hội cho năm 2024. “Đối với gói hỗ trợ 40 ngàn tỷ đồng cho giảm lãi suất 2% đang triển khai rất chậm tại các ngân hàng thương mại đề nghị Nhà nước nghiên cứu chuyển sang hỗ trợ các dự án chuyển đổi xanh để đáp ứng các quy định mới của thị trường”, ông Cẩm đề xuất. Đồng thời, đề nghị bỏ thuế VAT và thuế nhập khẩu tại chỗ cho hàng hóa sản xuất xuất khẩu quy định tại Nghị định 18/2021/NĐCP; cho phép thương nhân nước ngoài có hiện diện hoặc không có hiện diện tại Việt Nam được áp dụng quy định xuất nhập khẩu tại chỗ. Giảm tỷ lệ đóng bảo hiểm xã hội, sửa đổi quy định hưởng lương hưu để giảm số lao động rút bảo hiểm xã hội 1 lần, sửa đổi quy định hưởng trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp để tránh lao động nhảy việc, giảm tỷ lệ doanh nghiệp đóng kinh phí công đoàn về tối đa 1% và giảm tỷ lệ nộp lên công đoàn cấp trên tối đa 15%. Ở góc độ quản lý, ông Trần Thanh Hải, Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, (Bộ Công Thương) nhấn mạnh, Chính phủ đã cam kết với COP26 tới 2050 sẽ giảm phát thải ròng bằng bằng 0 và sản xuất xanh bền vững. Ngành dệt may cũng phải thực hiện điều này góp phần vào thực hiện cam kết của Chính phủ. Theo đó, ngành phải chủ động nguồn nguyên liệu, tăng dần tỷ trọng sợi tái chế trong sản phẩm vải, cũng như sợi hữu cơ đối với những sản phẩm mới. Đầu tư cải tạo nhà máy điện mặt trời mái nhà, sử dụng nguyên liệu đốt trong lò hơi dần chuyền từ than sang điện. Mặt khác, đầu tư công nghệ khâu kiểm soát nguyên liệu đến khâu thiết kế sản phẩm, phát triển sản phẩm và tổ chức sản xuất… Theo vneconomy.vn https://vneconomy.vn/nam-2024-nganh-det-may-dat-muc-tieu-xuat-khau-44-ty-usd.htm